Nghị quyết 33 tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản
14 Tháng 3, 2023
VTV.vn - Vốn và pháp lý chính là hai điểm nghẽn lớn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay đã dần được tháo gỡ.
Thị trường bất động sản vừa đón nhận tin vui khi cuối tuần vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33, về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các ý kiến trên thị trường đánh giá: Nghị quyết đã đánh giá chính xác, "bắt đúng bệnh" của thị trường bất động sản hiện nay, xác định cụ thể các khó khăn, vướng mắc chủ yếu. Đặc biệt, Chính phủ đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp và giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời, chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản. Đó là phải ưu tiên mọi nguồn lực để thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu; chủ động nghiên cứu giá cả, cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường. Vậy các vướng mắc cụ thể nào sẽ được ưu tiên tháo gỡ?
Theo tinh thần Nghị quyết mới của Chính phủ, hai nút thắt chính của thị trường bất động sản là vướng mắc pháp lý và nghẽn dòng tiền sẽ được tháo gỡ.
Cụ thể, về vốn, doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro với các phân khúc bất động sản. Các ngân hàng thương mại có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường.
Đáng chú ý, Chính phủ đưa ra mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, phân khúc đang thiếu hụt trên thị trường, để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng người dân về nhà ở.
Có thể thấy Vốn và Pháp lý chính là 2 điểm nghẽn lớn nhất trên thị trường hiện nay cũng đã dần được tháo gỡ. Vừa qua, nhiều ngân hàng đã bắt đầu có động thái giảm lãi suất cho vay. Nhiều doanh nghiệp hiện nay còn rất quan tâm đến vấn đề được hoãn, giãn, tái cơ cấu lại các khoản nợ.
Trong Hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS diễn ra cách đây gần 1 tháng trước, một số doanh nghiệp lớn cũng đã có ý kiến trực tiếp với Thủ tướng về vấn đề này.
Nếu được tháo gỡ, họ sẽ có nguồn lực để hoàn thiện dự án, bàn giao nhà cho người dân và trong Nghị quyết 33, vấn đề này đã được đề cập tới một cách cụ thể.
Doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được giãn, hoãn nợ
Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…
Ngoài ra, các dự án bất động sản có đủ điều kiện pháp lý, khả năng tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch trả nợ cũng sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tín dụng. Các doanh nghiệp nhận định, đây sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp hoàn thành nốt các dự án đang dở dang, người dân có thể nhận nhà, tránh cảnh đình trệ, đóng băng giao dịch.
Bà Nguyễn Thùy Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Phú Hưng, cho biết: "Nghị quyết 33 của Chính phủ vào ngày 11/3 vừa qua cũng đã tạo một tâm lý tích cực cho thị trường. Chương trình giãn hạn cho các doanh nghiệp bất động sản mà đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đang đến thời kỳ đáo hạn, tôi nghĩ là động thái đầu tiên để giúp các doanh nghiệp bất động sản được giãn nợ của mình. Ngoài ra, các huy động trái phiếu cũng được chính phủ nới lỏng, đặc biệt là các khoản vay đến hạn mà chủ đầu tư không có khả năng trả nợ thì được hoán đổi bằng các sản phẩm bất động sản, tôi cho rằng đây cũng là giải pháp để các khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản được tất toán".
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng Nghị quyết này đưa ra một định hướng rất tốt để cho thị trường biết rằng, Chính phủ đang rất quan tâm để điều chỉnh tất cả hệ thống tài chính, trong đó hệ thống ngân hàng, có hoạt động tín dụng, để người dân có thể ở mua nhà ở, từ đó khai thông được thị trường bất động sản. Tôi nghĩ rằng chính phủ nên đưa ra một cái chương trình hoãn nợ, cho phép tất cả các nhà phát hành hoãn nợ trong vòng từ một cho đến hai năm".
Nghị quyết 33 cũng chỉ rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản, trong việc phải tái cơ cấu sản phẩm, đưa nhà ở về mức giá hợp lý. Thực tế, trong vòng 1 tháng qua, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động đưa ra các phương án để tái cơ cấu, ưu đãi, giảm giá, chiết khấu… nhằm thu hút khách hàng, làm ấm lại thị trường. Mức chiết khấu có thể từ 15-38%.
Bà Nguyễn Thị An, công ty Cổ phần Địa ốc Mai Việt, nói: "Trước khi có chiết khấu, cuối tuần chỉ có 1-2 giao dịch, còn trong tháng này cuối tuần phải có từ 15-20 giao dịch. Chủ đầu tư đưa ra mức chiết khấu này vì muốn hút vốn về triển khai dự án".
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ từ Chính phủ, các doanh nghiệp cũng phải chủ động khắc phục những điểm yếu, tìm giải pháp tốt nhất cho mình. Các bên cùng chung sức thì thị trường mới có thể hồi phục nhanh trở lại. Một trong những giải pháp trước mắt cho thị trường hiện nay là cần hướng tới xây dựng nhà ở cho người có nhu cầu ở thật.
Nghị quyết 33 đã chỉ rõ: Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng, Chính phủ xây dựng, trình đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành "Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội" để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Thực tế, tại một số địa phương, điển hình là TP Hồ Chí Minh, việc tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh.
Nghị quyết 33: Động lực phát triển nhà ở xã hội
Khoảng hơn một tháng nữa, tức là vào cuối tháng 4, Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành sẽ có thể tiến hành khởi công xây dựng 2.000 căn hộ nhà ở xã hội. Để có kết quả này, một phần nhờ vào việc được TP Hồ Chí Minh tập trung gỡ vướng pháp lý theo các chỉ đạo trước đó từ Chính phủ.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành, cho biết: "Hiện nay công ty phối hợp với các cơ quan để chuẩn bị song song cùng lúc các thủ tục như điều chỉnh quy hoạch cục bộ, chấp thuận đầu tư, mua đất nông nghiệp. Tôi hy vọng rằng những thủ tục này trong vòng 30 ngày nữa sẽ được chấp thuận hết. Ngày 14/3, đích thân lãnh đạo thành phố sẽ xuống trực tiếp khu đất để khảo sát hiện trạng khu đất để phối hợp cho việc động thổ".
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, nói: "Thành phố cũng tổ chức những cuộc họp chuyên đề để tháo gỡ các vướng mắc cơ chế chính sách, chẳng hạn như để tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư của dự án nhà ở xã hội thì trong đó có điều chỉnh phân khu 1/2.000".
Tiếp sau các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ Hội nghị diễn ra vào tháng 2 vừa qua, Nghị quyết 33 mới được ban hành, được các chuyên gia đánh giá, sẽ tạo ra động lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp trong năm nay. Cụ thể, các vấn đề về quy hoạch, bố trí quỹ đất, quyền lợi và ưu đãi chủ đầu tư, xác định giá và đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội… đã được định hướng rõ ràng.
Từ đây, các địa phương đưa ra giải pháp phù hợp. Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Nghị định này cho thấy các địa phương đều phải chú tâm vào, đặc biệt là những thị trường mà cái bức bối nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thu nhập thấp rất lớn như TP Hồ Chí Minh hay các tỉnh phát triển công nghiệp".
Nhìn lại nguồn cung nhà ở TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2020 thì căn hộ thương mại vượt 112% chỉ tiêu, nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây vượt hơn 23%..., riêng nhà ở xã hội chỉ đạt gần 70% kế hoạch.
Như vậy so với các loại hình khác, tốc độ phát triển nhà ở xã hội vẫn còn ở mức thấp. Trong khi đó, theo mục tiêu mới được thành phố đưa ra là đến năm 2030 phải tạo lập được 93.000 căn là một thách thức không nhỏ. Để làm được điều này, chính quyền thành phố đã yêu cầu các sở,ngành tháo gỡ ngay các vướng mắc pháp lý cho các dự án và tạo cơ chế thu hút nhà đầu tư.
Để Nghị quyết sớm có hiệu quả, chuyên gia cũng cho rằng cần giảm mặt bằng lãi suất cho vay hoặc giảm điều kiện cho người vay mua nhà ở xã hội, tạo cơ chế thông thoáng để các địa phương, nhà đầu tư tiếp cận pháp lý dễ dàng hơn, đồng thời có thêm các chính sách hấp dẫn các nhà đầu tư mới tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.
Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác. Theo nhận định của các chuyên gia, khi nguồn cung nhà ở xã hội được đưa ra thị trường, giao dịch sẽ sôi động trở lại, vì đánh trúng nhu cầu thực sự. Sức ấm của phân khúc này sẽ lan tỏa hơi nóng tới cả thị trường chung, giúp bất động sản hồi phục trở lại.
ĐĂNG KÝ NHẬN THÔNG TIN DỰ ÁN
Quý khách quan tâm dự án vui lòng liên hệ trực tiếp HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0902 99 38 99 hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi hỗ trợ tư vấn trong thời gian sớm nhất.